Hậu trường thể thao: Kỳ 3: Cuộc sống bóng đá

Đăng ngày: 11/27/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 2253

Không nuôi nổi mình

Như các số báo trước đã đưa, hiện tại cầu thủ trong đội tuyển đang được hưởng mức dinh dưỡng 35.000 đồng/ngày, đội trẻ nhận 30.000 đồng/ngày không đủ đảm bảo 2 bữa ăn chính. Đội tuyển bóng đá Bình Thuận đang có biên chế 7 cầu thủ, đến tháng 12/2009 sẽ có 3 người chính thức hết hợp đồng. Đó là cầu thủ Huỳnh Hùng, Nguyễn Trần Minh Hiếu và Nguyễn Duy Hùng. Minh Hiếu nguyên là thành viên đội tuyển U20 quốc gia. Theo huấn luyện viên (HLV) Đào Thanh Sơn – người đang kiêm nhiệm huấn luyện cho đội trẻ và đội tuyển, cho biết: “Ba cầu thủ này là lực lượng nòng cốt của đội tuyển, nhưng thời hạn hợp đồng sắp hết. Các cầu thủ rất dao động vì đời sống của các em đang bấp bênh. Và họ gắn bó với mình là vì tình cảm, chứ thực ra các cầu thủ này đã muốn đầu quân cho nơi khác”. Thu nhập hiện nay trong toàn đội tuyển, mức lương cao nhất là cầu thủ Huỳnh Hùng, nhưng chỉ dừng lại ở 2,3 triệu đồng/tháng. Mức trung bình của các cầu thủ khác từ 1,8 – 2 triệu đồng/tháng.

Với biên chế ít ỏi, mỗi lần tham gia giải, tất nhiên cảnh mời các cầu thủ ngoài tỉnh không tránh khỏi. Và khi đã mời họ về thi đấu, phải trả mức lương cao hơn nhiều so với những người “con ruột” của mình, thể hiện sự bất hợp lý. Mức lương “cứng” để mời một cầu thủ ngoài tỉnh thi đấu, thấp nhất cũng ở mức không dưới 3 triệu đồng/tháng. “Việc sử dụng cầu thủ của mình vẫn yên tâm hơn, khi đã ổn định được cuộc sống thì cầu thủ mới tập trung cống hiến, nhưng đa số cầu thủ hiện sống tự túc, không có bếp ăn tập trung nên họ phải ăn uống bên ngoài, như vậy càng không bảo đảm” – HLV Sơn cho biết.

Gắn bó với đội bóng của tỉnh nhà từ năm 1997, thủ môn Huỳnh Hùng bộc bạch: “Lương, và khoản tiền dinh dưỡng hiện không đảm bảo được cuộc sống, phải nhờ thêm gia đình. Nếu cứ kéo dài, chắc em sẽ rời đội bóng, vì ngay cả bản thân em cũng không nuôi nổi mình huống chi bây giờ em còn có vợ, có con”! Đời cầu thủ ngắn ngủi, khi không thể chơi bóng được họ cũng không biết làm gì. “Thời gian ở đội bóng đã chiếm hết, em không thể làm gì khác được” – Hùng cho biết. 

Đời sống cầu thủ đã vậy, riêng HLV càng không thể tin nổi, lương của một HLV không hơn gì lương cầu thủ. Như HLV Đào Thanh Sơn, đang kiêm nhiệm cả hai đội tuyển và đội trẻ nhưng chế độ dinh dưỡng dành cho HLV như ông Sơn chỉ 30.000 đồng/ngày. Lâu nay, tình trạng này vẫn không thay đổi. Ở các bộ môn khác, nguồn lực HLV có thể đảm bảo được nhưng bóng đá thì không.

 Bóng đá trẻ  sẽ đi đâu ? 

Đội tuyển trẻ, một thế hệ tương lai của bóng đá tỉnh nhà đang được hưởng mức lương 650.000 đồng/tháng, cộng với tiền sinh dưỡng, thuốc men tất cả chỉ khoảng 1,3 triệu đồng/tháng. Đội trẻ hiện chỉ còn 15 cầu thủ, trong đó 2 cầu thủ là thành viên đội tuyển U19 quốc gia. Trước đây, đội tuyển trẻ có cả thảy 20 cầu thủ nhưng ít nhất 5 cầu thủ đã rời đội vì cuộc sống không đảm bảo.

Hai cầu thủ Vũ Minh Hoàng và Trần Văn Triệu vừa đoạt huy chương đồng trong mùa giải Đông Nam Á, vừa trở lại tập trung cùng đồng đội bởi chấn thương sau mùa giải. Gặp cầu thủ Vũ Minh Hoàng, được em cho biết: Khi tập trung đá cho U19, chế độ dinh dưỡng của em được hưởng 120.000 đồng/ngày, thi đấu thì được 170.000 đồng. Hoàng có thể được xem như là một gương mặt tiếp nối những thế hệ bóng đá trước đây của Bình Thuận. Thế nhưng, liệu niềm đam mê trái bóng có còn thôi thúc để em yên tâm cống hiến nữa không khi những đãi ngộ tài năng đang trì trệ.

Sinh năm 1991, mồ côi cha từ khi lúc 2 tuổi, Hoàng sống ở thôn nghèo Lâm Giang (xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc). Nhà chỉ có 4 sào ruộng, mẹ Hoàng gồng gánh để nuôi các con khôn lớn. Người anh trai lập gia đình cũng khó khăn, đứa em trai út đang học lớp 10 hiện một tay Hoàng nuôi em bằng thu nhập ít ỏi từ những trận bóng. Đam mê bóng đá, nên Hoàng đã đầu quân vào đội năng khiếu của tỉnh năm 2005. Sau hai năm tập luyện, Hoàng được nâng lên tuyến trẻ. Bằng những cố gắng từ nội lực, Hoàng được gọi vào đội U19 quốc gia. “Chủ yếu thu nhập của tụi em dành để bồi dưỡng, một bữa ăn cầu thủ phải mất từ 25.000 – 30000 đồng, bạn nào có điều kiện thì uống thêm sữa, không thì thôi” – Hoàng bộc bạch. Đến năm 2012, Hoàng sẽ chính thức hết hợp đồng với đội trẻ. “Em thấy tương lai mình bất ổn, em đã phải bỏ học khi đang học nửa chừng (lúc đó Hoàng đang học lớp 11) vì thời điểm đúng lúc thi đấu cho giải hạng nhì mùa bóng năm 2007. Có lẽ, hết hợp đồng mà điều kiện không thay đổi, em sẽ rời đội”. Hoàng là một trong ít cầu thủ người dân tộc đã tình nguyện cống hiến cho bóng đá. Cũng từ những bấp bênh đãi ngộ của bóng đá tỉnh nhà, Hoàng đã tìm lối đi riêng khi tham gia cho đội bóng U21 Bình Dương trong mùa giải U21 Báo Thanh Niên vừa qua. Với thù lao cao, cùng với chế độ dinh dưỡng 120.000  đồng/ngày, em đã dành dụm giúp mẹ hơn 15 triệu đồng để chữa bệnh.

Trong khi thế hệ cầu thủ đang bấp bênh trước cuộc sống, thì chính sách đãi ngộ cứ tiếp tục trình và chờ.       

QUANG NHÂN (Báo Bình Thuận)

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT