Vui buồn chuyện thu nhập của VĐV

Đăng ngày: 3/26/2011 12:00:00 AM - Lượt xem 2592

Điểm qua điểm lại, chúng ta mới có Tiến Minh, Quang Liêm, Hoàng Thiên... là những VĐV đã lấy thể thao để kiếm sống. Việc tham dự các giải đấu lớn trong năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, tiền thưởng thu về với các VĐV này là không nhỏ. Quang Liêm trong năm 2010, nếu cộng hết số tiền thưởng các giải lại, kỳ thủ này cũng có trong tay hơn tỷ đồng. Chưa hết, phần thu nhập mà các VĐV được hưởng phần lớn là từ sức hút hay là giá trị quảng cáo của họ. Mới đây, Tiến Minh tiếp tục được phía nhà tài trợ ký hợp đồng 50 triệu/1 tháng, tính ra cả năm cũng đã 600 triệu đồng.

Thế nhưng, để có thành công và những khoản tiền thưởng, tiền tài trợ khổng lồ như vậy, ít ai biết những VĐV này đã phải gian khổ tập luyện như thế nào từ khi chỉ mới vài tuổi. Họ tập luyện bao nhiêu tiếng 1 ngày và chịu thiệt thòi như thế nào với bạn bè đồng trang lứa. Sự đánh đổi của họ để có thành quả nhất định như ngày hôm nay, là hoàn toàn xứng đáng.

Những VĐV thể thao “sống khỏe” bằng nghề cho thấy, đây không phải là 1 nghề phụ bạc họ, nếu họ chứng minh được tài năng, và sống chết với nghề..

Thể thao là vinh quang

Đem câu hỏi hỏi các VĐV rằng: “Lương mỗi tháng được nhận bao nhiêu?” Đa số đều trả lời “ít lắm”, hoặc là im lặng. Nhà vô địch Asian Games 16 Lê Bích Phương đến giờ vẫn chưa được vào biên chế của Quân đội, lương chỉ trên dưới 1 triệu đồng theo quy định. Lương của Á quân Asian Games, nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa cũng chỉ đủ mua quà cho gia đình. Ngoài tiền ăn theo quy định là 120.000 đồng/ngày thì các VĐV như Lụa được hưởng 70.000 đồng/ngày theo chế độ tiền công. Đó là những VĐV có đôi chút thành tích quốc tế, với các VĐV trẻ, đa số chỉ xác định theo nghiệp như một sự đam mê và tất cả vẫn phải bươn trải với những nghề tay phải.

Gian khổ, thiệt thòi là vậy nhưng chẳng ai thay đổi quyết định theo nghiệp thể thao nếu như được lựa chọn lại. Với họ, nghiệp thể thao như một sự chinh phục đỉnh cao và vinh quang, chứ không đơn thuần chỉ là 1 nghề để nuôi bản thân, gia đình.

Vẫn biết sự so sánh thu nhập giữa các VĐV là khập khiễng nhưng từ đó, chúng ta hiểu hơn giá trị của thể thao, để đồng cảm, chia sẻ và trân trọng với những ai đang và sẽ theo đuổi con đường này.

Theo Thể thao TPHCM

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT