Quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho Thể dục, thể thao

Đăng ngày: 11/19/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 4778

Tổ chức, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển TDTT là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về TDTT đã được luật Thể dục, thể thao quy định tại khoản 2 điều 6. Để đảm bảo phát triển sự nghiệp TDTT theo đúng định hướng, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động thể dục, thể thao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực rất lớn đa dạng phong phú bao gồm nhiều lực lượng lao động khác nhau về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ đào tạo từ cán bộ quản lý cấp cao ở trung ương đến cán bộ quản lý ở cơ sở, từ cán bộ giảng viên đại học đến giáo viên tiểu học, mầm non, từ huấn luyện viên đội tuyển quốc gia đến hướng dẫn viên thể thao ở cơ sở và các cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan cho đến các lực lượng lao động kinh doanh dịch vụ khác tác nghiệp trong lĩnh vực thể dục thể thao. Vì vậy, nhà nước ban hành các chính sách và thống nhất quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.

 

Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng một cách có hệ thống đội ngũ cán bộ quản lý về thể dục thể thao làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các Phòng Văn hoá-Thông tin), đây là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao có nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách của nhà nước về thể dục thể  thao; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý thể thao làm việc trong các tổ chức xã hội về thể thao(Uỷ ban Ôlimpích Việt nam; Hiệp hội thể thao người khuyết tật Việt nam), tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao(các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao), đây là những nhà quản lý chuyên nghiệp tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, giáo viên, giảng viên, hướng dẫn viên về thể dục thể thao làm việc trong các cơ sở thể thao, đây là những cán bộ chuyên môn đòi hỏi tính chuyên sâu trong các hoạt động nghề nghiệp huấn luyện, giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học thể thao làm việc trong các cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về thể thao; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động khác phục vụ cho công tác quản lý, huấn luyên, giảng dạy thể dục thể thao như kỹ thuật viên điều dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh, môi trường,…

 

Nhà nước chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thể dục, thể thao dựa trên chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở chiến lược chung đó, cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao ở trung ương có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch , kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực thể dục, thể thao chung cho toàn quốc phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ theo từng đối tượng, vùng lãnh thổ. Quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực  được xây dựng một cách tổng thể và chi tiết theo những tiêu chí đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp thể dục thể thao của cả thời kỳ và từng giai đoạn đã được xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển thể dục thể thao của đất nước.

 

Đặc biệt chú trọng ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn bằng nguồn kinh phí từ ngân sách do các cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện. Cơ quan quản lý hành chính nhà nước về thể dục thể thao các cấp chịu trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thể dục thể thao cho các đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực, vùng, miền do địa phương được phân cấp quản lý như: tổ chức và chỉ đạo công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên thể dục thể thao cho các nhà trường và cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; tổ chức và chỉ đạo công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên thể thao cơ sở; tổ chức và chỉ đạo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên và cán bộ quản lý thể thao trong lực lượng vũ trang, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thể thao. 

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho TDTT mang tính đặc thù của hoạt động thể thao là nhằm điều khiển sự phát triển thể chất nâng cao sức khoẻ của con ngưòi, tác động giáo dục nâng cao khả năng thành tích tối đa của con người nên đòi hỏi phải dựa trên cơ sở khoa học của nhiều chuyên ngành khác nhau về con người như y sinh học, tâm lý học, đạo đức học, xã hội học...

 

Do đó, để đào tạo được nguồn nhân lực TDTT có chất lượng trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao thuộc nhiều lĩnh vực làm nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm của nhà nước, nơi đào tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên, giảng viên, bác sỹ thể thao có trình độ chuyên môn giỏi. Nhà nước ban hành chính sách đào tạo bồi dưỡng và thu hút các nhà khoa học đầu ngành về làm việc tại các cơ sở đào tạo này.      

Chính sách đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực luôn luôn gắn kết không thể tách rời với chính sách sử dụng cán bộ, lao động hợp lý, đãi ngộ và trả công tương xứng cho từng vị trí công việc được đảm trách. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho TDTT, đồng thời chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp thể dục, thể thao.

 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng nhân lực cho thể dục, thể thao nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ở trung ương có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành có liên quan như: Bộ Giáo dục và đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Quân đội, Công an, Kế hoạch đầu tư, Tài chính… giúp Chính phủ xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên giáo dục thể chất trong cả nước, quản lý thống nhất chương trình khung đào tạo cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về thể thao ở các cấp độ khác nhau đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trong các cơ sở thể thao.

 

Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo ngoài công lập đào tạo nhân lực cho thể thao trên cơ sở thực hiện quy hoạch chung thống nhất.

 

Liên doanh liên kết với các cơ sở đào tạo cán bộ thể thao nước ngoài để hợp tác đào tạo cán bộ khoa học nhất là ở các lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu hoặc còn yếu.

 

Cơ quan quản lý nhà nước về TDTT chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao mà trước hết và chủ yếu là với Uỷ ban Olympic Việt Nam và các Liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý thể thao, kinh doanh hoạt động thể thao, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, kỹ thuật viên chăm sóc sức khoẻ phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu đuối và các loại nhân viên phục vụ khác. Việc chỉ đạo và kết hợp với các tổ chức xã hội và các cơ sở đào tạo ngoài công lập nhằm thực hiện chính sách xã hội hoá trong đào tạo bồi dưỡng nhân lực có trình độ đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác thể thao phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở từng vùng, miền và từng đối tượng khác nhau.

 

Theo TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO

Bài viết liên quan

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT