Phát hiện VĐV dính doping tại Đại hội TDTT lần thứ 6

Đăng ngày: 2/14/2011 12:00:00 AM - Lượt xem 2100

Cho đến chiều ngày 11/2, Trưởng bộ môn cử tạ Đỗ Đình Kháng cho biết vẫn chưa nhận được công văn nào từ Liên đoàn cử tạ thế giới thông báo về trường hợp này và không hề biết thông tin gì.

Tuy nhiên khi trao đổi trực tiếp với ông Lê Quý Phượng (Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) và cũng là chuyên gia hàng đầu về công tác chống doping ở Việt Nam thì được đích thân ông khẳng định, trong 30 mẫu xét nghiệm lấy ngẫu nhiên từ ĐH TDTT toàn quốc (chủ yếu là các VĐV đạt thành tích cao) có một mẫu cho dương tính với chất cấm được Hiệp hội chống doping thế giới liệt vào "danh sách đen".

Đó là trường hợp của nữ lực sĩ Ngô Thị Hạnh của đơn vị Hà Tĩnh, người vừa giành 3 tấm HCV ở các nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử (hạng 75kg) tại Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra tại Đà Nẵng tháng 12 năm ngoái.

Theo thông báo từ Trung tâm kiểm tra doping Bắc Kinh (Trung Quốc), VĐV này dính phải chất cấm có tên khoa học Methandienone, một chất có tác dụng nâng cao thành tích trong thể thao.

Đây thực sự là một tin không vui với thể thao nước nhà nói chung và môn cử tạ nói riêng. Trong một thời gian ngắn, cử tạ Việt Nam có 2 trường hợp dính doping với những lý do khác nhau.

Là người nhiều năm tâm huyết với vấn nạn này, ông Phượng phản đối kịch liệt những trường hợp dính doping trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với ông, thể thao là phải trong sạch, lành mạnh, công bằng và ông cũng như những người có trách nhiệm đang tìm mọi cách để hạn chế, tiến tới ngăn chặn hết những trường hợp liên quan đến doping.

Trong thời gian qua, những người làm trong công tác chống doping như ông Phượng luôn có những biện pháp giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra các cấp cơ sở. Thậm chí tại ĐH TDTT toàn quốc, lần đầu tiên các VĐV được kiểm tra doping, ngay cả khi kinh phí là rất lớn.

Tuy nhiên, vấn đề doping không phải chỉ là một phía bởi suy cho cùng, muốn triệt tặn gốc vẫn là ý thức và sự hiểu biết của các địa phương, đơn vị, HLV, VĐV.

Ở một khía cạnh khác, chính bệnh thành tích của các địa phương, đơn vị cũng vô tình ủng hộ cho các VĐV của mình sử dụng chất cấm như một cách đoạt huy chương dễ nhất. Thậm chí trong thời gian qua, việc dùng doping không ai kiểm soát nên diễn ra thường xuyên, ai không dùng sẽ...bị thiệt.

Việc xét nghiệm trong điều kiện phải gửi ra nước ngoài từ trước tới nay vẫn chỉ mang tính cảnh báo và răn đe là chính. Đơn cử như tại ĐH TDTT toàn quốc, BTC chỉ gửi đi 30 mẫu trong tổng số hơn 3000 VĐV thì việc "bỏ sót" cũng là chuyện bình thường. Thêm nữa, vấn nạn doping không phải là chuyện riêng của Việt Nam bởi ngay cả những nước có công nghệ phát triển nhưng những người cố ý muốn dùng chất cấm vẫn có cách để lách luật.

Trở lại trường hợp dính doping của Ngô Thị Hạnh, sau khi dương tính ở lần kiểm tra thứ nhất, theo đúng quy trình, VĐV này sẽ được kiểm tra lần thứ 2 (mẫu thử B) và nếu tiếp tục cho kết quả dương tính, Ngô Thị Hạnh sẽ phải đối mặt với án phạt nặng từ Liên đoàn cử tạ thế giới.

Ngoài ra, mọi thành tích của Hạnh tại Đại hội TDTT sẽ bị hủy. Tại Đại hội TDTT lần thứ VI, Ngô Thị Hạnh thi đấu ở hạng cân 75kg nữ và đoạt 3 HCV ở nội dung cử đẩy, cử giật và tổng cử.

Tại ĐH TDTT TQ lần thứ VI, có 3.000 VĐV tham dự, tuy nhiên do kinh phí có hạn nên Ban Tổ chức chỉ lấy được 30 mẫu thử (chiếm 1%). Như vậy, có thể thấy vấn nạn sử dụng doping ngày càng khó kiểm soát trong giới VĐV.

Việt Nam đã tham gia vào Công ước Copenhagen về phòng chống doping do Tổ chức Phòng chống doping thế giới khởi xướng, nên với bất kỳ trường nào bị phát hiện sẽ bị xử theo luật của tổ chức này.

Sau trường hợp của Hoàng Anh Tuấn mới đây (cấm thi đấu 2 năm, phạt hơn 5.000 USD) và có thể sẽ tiếp tục là Ngô Thị Hạnh trong thời gian tới, thể thao Việt Nam có quá nhiều những bài học cho những ai cố tình sử dụng chất cấm nhằm gian lận trong thi đấu.

Theo Dân trí

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT