Huyện đảo Phú Quý: Định hướng phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020

Đăng ngày: 11/5/2012 12:00:00 AM - Lượt xem 2404

Trong những năm qua, công tác phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao của huyện đảo Phú Quý có bước chuyển biến tiến bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, ban ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy và Huyện ủy về phát triển thể dục, thể thao trong tình hình mới; kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, cụ thể hóa triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng về phát triển thể dục, thể thao tại địa phương đạt một số kết quả bước đầu; qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội, ngày càng xác định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của thể dục, thể thao trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng từng bước được đẩy mạnh, nhiều loại hình hoạt động thể dục, thể thao được áp dụng thu hút các thành phần đối tượng xã hội tham gia. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị có nhiều cố gắng duy trì tổ chức tốt các kỳ Đại hội TDTT, Hội khoẻ Phù Đổng, các đợt hội thi, hội thao, giao hữu, thi đấu tranh giải một số bộ môn thể dục, thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn); nhất là đã khơi dậy, phát triển các loại hình thể thao dân gian phong phú, sinh động như kéo dây, nhảy bao, đẩy gậy, chơi đu, đua thuyền, lắc thúng, bơi lội, leo núi,… nhân dân hưởng ứng tham gia, động viên cổ vũ sôi nổi, nhiệt tình. Phong trào luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thể dục, thể thao theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” từng bước được mở rộng, người dân ý thức tự chọn cho mình một môn thể dục, thể thao phù hợp để tập luyện như cầu lông, võ thuật, dưỡng sinh, đi bộ, chạy dài, tắm biển,… Các hoạt động thể dục thể thao trong các trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang được duy trì theo phương châm “Khoẻ để học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hoá, thể thao được tiếp tục quan tâm thực hiện. Công tác xã hội hoá thể dục, thể thao bước đầu có chuyển biến tích cực, đã vận động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng, phát triển phong trào thể dục, thể thao ở địa phương. Công tác tổ chức cán bộ trên lĩnh vực thể dục, thể thao được chú ý tăng cường.

Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao ở địa phương trong giai đoạn mới còn chậm, chưa được đồng bộ, chất lượng, hiệu quả chưa đạt cao. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển thể dục, thể thao; nội dung kế hoạch, đề án còn chung chung, chưa cụ thể hoá theo mục tiêu trọng tâm và từng giai đoạn phù hợp điều kiện, tình hình, đặc điểm ở địa phương, đơn vị. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng chưa thật sự trở thành phong trào rộng khắp, chưa thu hút nhiều thành phần đối tượng xã hội tham gia, duy trì tập luyện. Chất lượng giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục, thể thao trong các trường học còn hạn chế. Việc tổ chức các giải thi đấu còn mang tính hình thức, thời vụ, hoạt động bề nổi, chưa mang tính chuyên sâu, chất lượng tổ chức và thành tích kết quả chưa cao. Một số môn thể thao ưu thế của huyện chưa được khơi dậy mạnh, phát huy và đầu tư đúng mức (như: bơi lội, lặn, đua thuyền, lắc thúng, bóng chuyền bãi biển, điền kinh,…). Việc tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên và một số bộ môn còn mang tính tự phát, chưa có sự định hình, thành lập và tổ chức hoạt động một số loại hình câu lạc bộ thể thao quần chúng như: dưỡng sinh, võ thuật, cờ tướng, erobic, cầu lông,… Việc thành lập đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải do tỉnh tổ chức chưa nhiều. Kết cấu cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao còn chắp vá, chưa đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao hàng năm còn ở mức thấp. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách thể dục thể thao các cấp chưa được củng cố ổn định, còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa thường xuyên được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao. Lực lượng nòng cốt (hướng dẫn viên, huấn luyện viên, trọng tài, cộng tác viên, vận động viên) tham gia phong trào thể dục thể thao quần chúng ở địa phương, đơn vị cơ sở còn mỏng. Công tác xã hội hoá trên lĩnh vực thể dục, thể thao chưa mạnh.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng và xác định rõ ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng đối với sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao trong tình hình mới; từ đó, chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thể dục, thể thao. Sự phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động phong trào thể dục, thể thao quần chúng giữa các cấp, ngành, Mặt trận, đoàn thể, địa phương, đơn vị chưa được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phổ biến, định hướng việc luyện tập, rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thể dục, thể thao theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” chưa được các cấp, ngành thường xuyên quan tâm duy trì. Điều kiện về con người, cơ chế chính sách, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao ở địa phương còn hạn chế, bất cập. Công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên và giáo viên thể dục, thể thao chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể hoá Chương trình hành động số 12-NQ/TU, ngày 27/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XII) thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị (khoá XI); để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về sự nghiệp thể dục, thể thao của huyện nhà trong những năm tới, Ban Thường vụ Huyện uỷ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân địa phương quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

1. Quan điểm:

- Nhận thức xác định phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao là yêu cầu khách quan tất yếu của xã hội nhằm góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, thể lực, trí lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển quê hương, đất nước; giáo dục ý chí, niềm tin, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Phát triển thể dục, thể thao là trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp và của mỗi người dân. Đầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho nguồn lực con người, cho sự phát triển bền vững của địa phương.

- Quan tâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hoá, thể thao phù hợp, từng bước đồng bộ. Phát huy các nguồn lực của xã hội, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động thể dục, thể thao; nâng cao vai trò các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển các loại hình thể dục, thể thao đúng định hướng, đáp ứng phục vụ tốt nhu cầu xã hội. Giữ gìn và tôn vinh những giá trị thể dục thể thao dân gian, mang đậm nét truyền thống dân tộc và tính nhân văn sâu sắc.

2. Mục tiêu:

- Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao các cấp. Bằng nhiều biện pháp, tích cực huy động các nguồn lực xã hội tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá, thể thao, thúc đẩy cho sự nghiệp văn hoá, thể dục, thể thao của huyện nhà phát triển đa dạng và bền vững; nhất là các phong trào thể dục, thể thao quần chúng, các bộ môn thể thao lợi thế của địa phương, gắn với phục vụ cho phát triển du lịch.

- Phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu sau:

+ Giữ vững và nâng cao chất lượng 100% trường học trong huyện thực hiện có nền nếp chương trình giáo dục thể chất theo quy định; 80 - 90% học sinh đạt chuẩn rèn luyện thân thể.

+ Các địa phương, đơn vị, trường học cơ bản có đủ cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao, vui chơi giải trí cho các đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, lao động, chiến sĩ, học sinh và các tầng lớp nhân dân.

+ Tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 25 - 30% so dân số; 15 - 20 % đạt “tiêu chuẩn gia đình thể thao”; phấn đấu thành lập mới từ 5 - 10 Câu lạc bộ thể thao.

+ Có vận động viên tham gia thi đấu đạt thành tích, huy chương cấp tỉnh.

3. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thể dục, thể thao đến năm 2020.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các trường học.

- Đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao hiệu quả, chất lượng chương trình giáo dục thể chất, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, gắn với giáo dục sức khoẻ, đạo đức và kỹ năng sống của học sinh trong các trường học. Phát huy đội ngũ giáo viên thể dục hiện có; đồng thời, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên thể dục cho các trường học. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt “Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học”, góp phần đào tạo tài năng trẻ của huyện nhà.

- Tiếp tục quan tâm đầu tư đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu phát triển thể dục, thể thao trong các trường học; tăng cường, đảm bảo 100% các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có giáo viên chuyên trách thể dục, thể thao.

Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao quần chúng.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao quần chúng; tiếp tục phát động đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, duy trì nâng cao chất lượng phong trào rèn luyện “Thanh niên khỏe”, “ Chiến sĩ khỏe ”, “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.

- Tập trung các hoạt động thể dục, thể thao hướng về cơ sở, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Chú trọng khôi phục, khơi dậy và phát huy các môn thể thao dân gian truyền thống ở địa phương. Khuyến khích và tạo điều kiện duy trì thường xuyên các hoạt động phát triển thể dục, thể thao, các cuộc hội thao, hội thi, các giải thi đấu, giao hữu thể thao trong các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, gắn với phong trào thể dục, thể thao quần chúng ở từng địa bàn dân cư. Quan tâm duy trì tổ chức các hoạt động tập luyện, phát triển phong trào thể dục, thể thao cho người cao tuổi, người khuyết tật.

Nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao; giữ vững và phát huy các môn thể thao lợi thế của địa phương.

- Quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao ở địa phương; tiếp tục đầu tư triển khai thực hiện các hạng mục công trình cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao tập trung của huyện và cơ sở, từng bước hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao; đồng thời phát huy tốt công năng, hiệu suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá, thể thao hiện có, đáp ứng nhu cầu đa dạng, sở thích rèn luyện thể dục thể thao của mọi người.

- Quan tâm thực hiện tốt cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng tài năng, xây dựng và phát triển lực lượng thể dục, thể thao nòng cốt của huyện nhà (huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên).

- Có định hướng, kế hoạch từng bước đầu tư phát triển một số bộ môn thể thao lợi thế của địa phương (như: bơi lội, lặn, lắc thúng, đua thuyền, bóng chuyền bãi biển, võ thuật, điền kinh, việt dã...); xây dựng, phát triển các mô hình hoạt động thể dục thể thao theo sở thích (câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm năng khiếu...) đồng thời có giải pháp tích cực nhằm vận động thu hút lực lượng vận động viên tham gia tập luyện; qua đó, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng, xây dựng lực lượng, thành lập đội tuyển, sẵn sàng tham gia thi đấu các giải mở rộng của tỉnh và khu vực.

Đổi mới công tác quản lý, phát triển các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao.

- Tiếp tục bố trí, sắp xếp, củng cố, kiện toàn, từng bước hoàn thiện cơ bản về tổ chức, bộ máy lãnh đạo, quản lý và nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách hoạt động phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao các cấp. Đổi mới nội dung và phương pháp quản lý thể dục, thể thao đối với các cấp, ngành, địa phương trong huyện.

- Tăng cường quan hệ, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trường năng khiếu nghiệp vụ và Trung tâm thể dục, thể thao của tỉnh để hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài, vận động viên…), nghiên cứu học tập các mô hình hoạt động nhằm góp phần phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao của địa phương.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội, đoàn thể, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm năng khiếu thể dục, thể thao hoạt động. Khuyến khích thành lập mới các câu lạc bộ thể thao, các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển các loại hình thể dục, thể thao. Có kế hoạch cụ thể hoá triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư phát triển các hoạt động thể dục, thể thao theo Quyết định số 340/QĐ-UBND, ngày 15/02/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao.

- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đúng mức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao địa phương trong giai đoạn mới. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thể dục, thể thao để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng tại từng địa bàn địa phương, đơn vị, xem việc luyện tập thể dục, thể thao trở thành thói quen, nếp sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người dân, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý và điều hành các hoạt động thể dục, thể thao; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước các cấp; chú ý bố trí đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu. Tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thể dục, thể thao trong tình hình mới.

- Thực hiện đồng bộ với quyết tâm cao các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thể dục, thể thao; quá trình triển khai thực hiện có sự chỉ đạo đôn đốc, theo dõi, giám sát, kiểm tra; kịp thời tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng hợp lý các tổ chức, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao địa phương và vận động viên đạt thành tích kết quả tại các giải thi đấu.

Trên cơ sở đó, để triển khai thực hiện có kết quả Chương trình hành động số 12-NQ/TU, ngày 27/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XII) thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị (khoá XI); Ban Thường vụ Huyện uỷ Phú Quý đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị trong huyện thực hiện phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao của huyện nhà đến năm 2020, như sau:

- Các Đảng uỷ cơ sở: Đảng uỷ 3 xã, Đảng uỷ Công an, Đảng uỷ Quân sự, Đảng uỷ khối Cơ quan - Chính quyền huyện tổ chức quán triệt, cụ thể hoá Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện uỷ để xây dựng chương trình, kế hoạch của cấp uỷ mình và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các tổ chức cơ sở đảng còn lại tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt kế hoạch này.

- UBND huyện có kế hoạch cụ thể, tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao địa phương trong giai đoạn mới. Tiếp tục cụ thể hoá để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020 theo Quyết định số 898-QĐ/UBND, ngày 26/4/2010 của UBND tỉnh, Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 2874/QĐ-UBND, ngày 13/12/2010 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 5695/KH-UBND, ngày 02/12/2011 của UBND tỉnh và Kế hoạch này.

- Các cơ quan, ban ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về thể dục, thể thao và Kế hoạch này đến các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế và nhân dân để nâng cao nhận thức, góp phần thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao của huyện nhà.

- Ban Tuyên giáo Huyện uỷ chủ trì, phối hợp với các ban Đảng và Đảng uỷ khối Cơ quan - Chính quyền huyện thường xuyên theo dõi việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Huyện uỷ biết, chỉ đạo./.

KỲ DANH - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Quý

 

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT