Chú trọng công tác giáo dục thể chất và phong trào thể thao trong trường học

Đăng ngày: 4/2/2011 12:00:00 AM - Lượt xem 2908

Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 23-10-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) “về phát triển thể dục thể thao đến năm 2010”, sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) nước ta đã có những bước tiến bộ rõ nét, nhiều nội dung của chỉ thị đã đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với sự phát triển cả bề rộng và chiều sâu của phong trào thể dục thể thao quần chúng nói chung, công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Về giáo dục thể chất nội khoá: tính đến năm 2010, cả nước có trên 90% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khoá có nề nếp theo quy định; trên 60% số trường học có hoạt động thể dục thể thao ngoại khoá có nề nếp, tổ chức thường xuyên các hoạt động thể thao cho học sinh, sinh viên;

Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện thể dục thể thao của học sinh sinh viên ngày càng đa dạng và dần đi vào nền nếp. Trong đó, các sinh hoạt dưới hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao trường học có tổ chức, có người hướng dẫn ngày càng được phát triển. Nhiều nội dung tập luyện phong phú được đưa vào các hoạt động ngoại khoá đặc biệt là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được đưa vào lồng ghép với phong trào thi đua “trường học thân thiên, học sinh tích cực”;

Các hoạt động thi đấu thể thao từ trung ương đến cơ sở ngày càng phát triển đa dạng, hệ thống thi đấu lớn như Hội khoẻ phù đổng các cấp, Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc cùng hàng chục giải thi đấu cấp toàn quốc hàng năm, thu hút hàng chục triệu học sinh sinh viên tham gia.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao ở các trường học được đào tạo, nâng cao kiến thức đã từng bước đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao ở trường học các cấp đã bước đầu được quy hoạch và đầu tư xây dựng.

Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được tăng cường, sát với thực tế, thể hiện ở các văn bản quy phạm pháp luật ngày một hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nhà trường theo từng lĩnh vực trong công tác thể dục thể thao trường học; về chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, sáng tạo và chủ động của học sinh trong học tập, mặt khác, công tác nghiên cứu khoa học về giáo dục thể chất và y tế trường học ngày càng được chú trọng.

Công tác vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất, xây dựng nếp sống lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn, giáo dục nhân cách lói sồng thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diên cho học sinh sinh viên.

Tham gia các hoạt động thể dục thể thao trong khu vực và quốc tế, đoàn Việt Nam luôn khẳng định được vị thế của thể thao học sinh, sinh viên trên trường quốc tế. Đoàn thể thao sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội thể thao sinh viên thế giới tại Serbia tháng 7 năm 2009, kết quả đạt 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng xếp thứ 45/143 đoàn tham dự; Đoàn thể thao học sinh Việt Nam dự Đại hội thể thao học sinh Đông Nam á tại Thái Lan tháng 9/2009 kết quả, đạt 18 huy chương vàng, 16 huy chương bạc và 23 huy chương đồng, xếp thứ 2 toàn đoàn; Đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam á lần thứ 15-2010 tại Chiềng Mai, Thái Lan tháng 12/2010 kết quả: 34 HCV, 16 HCB và 14 HCĐ, xếp thứ 4/11 đoàn tham dự…

Hàng năm, đều tổ chức các giải thể thao cho học sinh, sinh viên nhằm đánh giá công tác giáo dục thể chất và luyện tập của các nhà trường. Đặc biệt, theo chu kỳ 4 năm/1 lần, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan ban, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động lớn như: Hội khỏe Phù đổng toàn quốc, Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc, Hội thi nghiệp vụ sư phạm văn nghệ thể thao các trường sư phạm toàn quốc, Hội thi Văn hoá thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc.

Tuy nhiên, ở một số cơ sở công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có lúc còn bị coi nhẹ, thiếu bình đẳng so với các môn học khác. Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học còn trong tình trạng thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong khối các trường đại học, cao đẳng.

Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về giáo dục thể chất và thể thao trường học luôn bị thay đổi, phân tán dẫn tới hiệu quả hoạt động hạn chế; nội dung hoạt động thể thao ngoại khoá trong nhà trường còn nghèo nàn, chưa thực sự tạo được sự hứng thú cho học sinh, sinh viên. Giáo viên thể dục còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng chuyên môn; chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên thể chất còn nhiều bất cập.

Năm 2011, trước những yêu cầu mới, với mục tiêu và nhiệm vụ của công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học là: Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển toàn diện, góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc người Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao và xây dựng lối sống lành mạnh trong tầng lớp thanh, thiếu niên; Chú trọng công tác giáo dục thể chất và phong trào thể thao trong trường học các cấp; đổi mới nội dung, giáo trình, chương trình giáo dục thể chất phù hợp với thể chất học sinh, sinh viên Việt Nam và tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá với các tiêu chí đánh giá cụ thể, linh hoạt.

Các nhiệm vụ cụ thể được xác định là:

- Tăng cường chất lượng dạy và học thể dục chính khóa.

- Đổi mới nội dung, giáo trình, chương trình giáo dục thể chất phù hợp với thể chất học sinh Việt Nam và tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khoá với các tiêu chí đánh giá cụ thể, linh hoạt; kết hợp đồng bộ y tế học đường với dinh dưỡng học đường.

- Xây dựng hệ thống các trường, lớp năng khiếu thể thao, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài thể thao cho quốc gia.

- Phát triển thể dục thể thao ngoại khóa, xây dựng các loại hình câu lạc bộ TDTT trường học; khuyến khích học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa trong các câu lạc bộ, các lớp năng khiếu thể thao. Củng cố và phát triển hệ thống thi đấu thể dục thể thao giải trí thích hợp với tưng cấp học, từng vùng, địa phương.

- Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch cơ sở giáo dục đào tạo có sơ sở vật chất đáp ứng hoạt động TDTT trường học theo quy chuẩn quốc gia.

Tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên TDTT; đẩy mạnh huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ tập luyện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao, hướng dẫn viên TDTT cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện khó khăn theo quy định của Nhà nước.

- Tăng cường công tác đào tạo giáo viên TDTT, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động ngoại khóa cho hướng dẫn viên TDTT; tăng cường công tác giáo dục, truyền thông trong giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học.

 

Theo CINET

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT