“Bác vẫn như đang nói với chúng ta”

Đăng ngày: 5/19/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 2245

Đến căn lán Bác ở ngày xưa, chúng tôi gặp các cụ Ma Đình Khánh, Ma Đình Hoàng đang quét dọn nơi ở của Bác để chuẩn bị đón một đoàn khách. Các cụ nhớ lại: Hôm ấy trời bắt đầu chuyển sang hè, một đêm có hai anh thanh niên (sau này biết một người là Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, một người tên là Nhất, bảo vệ của Bác), cầm giấy giới thiệu đề nghị giúp làm một căn lán nhỏ trên đồi cho một người ở, nhưng ngăn làm đôi. Một căn lán to ở sườn đồi cho chừng 9-10 người ở.

Có mặt trong căn lán mà tác phẩm đã ra đời cách đây 60 năm, GS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Như Ý thật sự xúc động.

Giọng xứ Nghệ của ông sang sảng đọc một đoạn tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Bác Hồ trong căn lán giữa rừng: “Nếu ai nói chúng ta không dân chủ thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta xét kỹ thì có thật như thế”…, “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng xa rời nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra”…

Đọc đến đây, giọng giáo sư bỗng nhấn mạnh từng chữ: “Họ không nói ra không phải là họ không có ý kiến. Nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị trù là khác”.

Anh Triệu Đình Quân dạo ấy là chủ nhiệm Việt Minh xã huy động chín dân quân, tất cả đều là đảng viên, dưới sự hướng dẫn của anh Kỳ và anh Nhất làm trong khoảng năm ngày thì xong. Cây vầu làm cột, lá cọ lợp mái (hai thứ có sẵn trên đồi). Riêng sàn thì vợ chồng Ma Đình Tịnh, Ma Đình Hèn có một số tấm ván xẻ lát sẵn sàng cho mượn.

Đứng trước căn lán hai buồng đơn sơ, trước cái bếp đắp bằng đất, ba thanh sắt đã bắt đầu hoen gỉ, lòng chúng tôi bồi hồi, xiết bao xúc động, bởi cảm thấy như hình bóng Bác vẫn còn đâu đây.

Chúng tôi nhẹ bước lên chiếc cầu thang ngắn vỏn vẹn ba bậc để lên chiếc lán của Bác. Chiếc lán rộng chừng 10m2, được ngăn làm đôi, một nửa dùng làm buồng ngủ, một nửa để làm việc, tiếp khách. Chiếc giường và chiếc bàn làm việc cũng bằng vầu.

Theo đại tá Kim Sơn (một chiến sĩ giải phóng quân có mặt ở Tân Trào từ Cách mạng Tháng Tám), Khâu Tý là một trong những địa điểm Bác dừng lại lâu nhất trong suốt thời gian tám năm ở ATK Định Hóa: 4 tháng 19 ngày. Có lẽ do nơi đây khá thuận lợi về địa thế. Từ Khâu Tý có đường mòn ra Quảng Nạp đi Phú Minh, sang huyện Đại Từ hoặc ra chợ Chu, ngược ra chợ Đồn (Bắc Kạn) hoặc vượt đèo De, núi Hồng sang Tân Trào.

Mặt khác, ở gần Bác lúc này còn có Tổng bí thư Trường Chinh và văn phòng Trung ương Đảng ở xóm Phụng Hiển. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Văn phòng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy ở xóm Khẩu Hấu. Quyền trưởng ban thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng ở xóm Đồng Mua.

Ở gần Khâu Tý còn có chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt và chủ nhiệm báo Cứu Quốc Xuân Thủy ở xóm Roòng Khoa. Đây là hai cơ quan, hai con người Bác hằng yêu quý. Bác vốn là người sáng lập ra Mặt trận Việt Minh và ngày 19-5, ngày thành lập Mặt trận cũng chính là ngày sinh của Người. Con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là nhà báo vĩ đại nhất trong lịch sử báo chí VN.

Ở Khâu Tý - Phủ Chủ tịch đầu tiên của “thủ đô gió ngàn” - từng diễn ra những cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong một lần họp như thế, mọi người đã được nghe bài thơ Cảnh khuya của Bác vừa làm xong.

Đặc biệt, tại căn lán đơn sơ ấy đã ra đời một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Hồ Chí Minh. Đó là cuốn Sửa đổi lối làm việc. Theo đồng chí Vũ Kỳ, khi giặc Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc ngày 7-10-1947 thì Bác cũng vừa đánh máy xong trang cuối cùng của tập sách bằng chiếc máy chữ Hermes Bác mang theo từ hồi ở Tân Trào. Rất nhanh chóng, Sửa đổi lối làm việc trở thành tập sách gối đầu giường của cán bộ, đảng viên, góp phần to lớn vào thành công của công tác xây dựng Đảng.

GSTS ngôn ngữ học Nguyễn Như Ý tâm sự: “Chúng ta có một Hồ Chí Minh thật vĩ đại. Vấn đề là chúng ta phải làm sao xứng đáng với điều đó”. Bao nhiêu năm qua có một câu hỏi lớn cứ vương vấn trong đầu giáo sư: Sao mà từ năm 1947, giữa một khu rừng heo hút, trong căn lán nhỏ đơn sơ giữa lúc giặc Pháp đang đổ quân vây kín mọi ngả rừng, cố tìm bắt sống cho bằng được Hồ Chí Minh mà Người vẫn có thể viết ra những lời vĩ đại như thế?

...Rời Khâu Tý, chúng tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Vũ Kỳ, người từng được sống cạnh Bác Hồ trong suốt thời gian Bác viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc trong căn lán nhỏ giữa “thủ đô gió ngàn”: “Lời Bác viết cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn như đang nói với chúng ta hôm nay”.

Đại tá THẾ KỶ (người giúp việc của ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ)

Theo tuoitre.com.vn

Bài viết liên quan

trung tâm thể dục thể thao Thể thao - kênh quảng bá cho du lịch
(Đăng ngày: 4/9/2021 8:24:30 AM)
Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT